28
Sau khi nước lũ rút đi sẽ để lại lớp bùn dày (thường gọi là bùn non) bám vào tường, đồ đạc, cây cối, nền nhà… có nơi dày đến cả mét. Để thời gian ngắn thôi là lớp bùn non này sẽ khô lại, bám chặt vào những gì nó lướt qua và rất khó để làm sạch, vì thế công việc xử lý sau lũ vô cùng khó khăn và tốn rất nhiều nhân lực, nhiều ngày công.
Dưới đây là một số kinh nghiệm cụ thể sau nhiều năm hứng chịu bão lũ từ người dân miền Trung rất hữu ích mà bạn có thể tham khảo để phòng tránh, giảm thiệt hại từ mưa lũ và phương pháp dọn dẹp sau khi bão lũ đi qua.
Sau lũ lụt sẽ để lại lớp bùn non rất khó vệ sinh
1. Khi nước lên
Thường xuyên theo dõi tin tức để cập nhật tình hình mưa lũ. Nếu các nơi vùng cao đã bị ngập thì vùng dưới phải chuẩn bị sẵn sàng ứng biến với nước lũ. Vì vùng thấp sẽ bị ngập không lâu sau tùy thuộc vào khoảng cách, lượng mưa, và lượng nước lũ đổ về. Nhớ chuẩn bị áo phao cho các thành viên trong gia đình và lưu trữ đồ thiết yếu như nước sạch, thức ăn, đèn pin, dầu gió, thuốc… đủ dùng cho 3 – 4 ngày.
Kê cao đồ đạc trong nhà để tránh bị nước ngấm vào, ưu tiên những vật dụng không thể hoặc rất khó có thể khắc phục khi bị ngâm nước, nhất là những giấy tờ quan trọng: sổ đỏ, hồ sơ, giấy tờ cá nhân…
Nếu có điều kiện hãy trang bị các tấm chắn ngăn nước và thường xuyên kiểm tra để đảm bảo chúng hoạt động tốt. Hoặc tìm cách chặn các khối rác lớn bị cuốn theo nước lũ, để tiết kiệm công sức dọn dẹp sau này.
Vào buổi tối, gia đình nên chia nhau người ngủ, người thức để canh chừng xem nước lên đến đâu thì kê đồ lên cao hơn mực nước để không bị hư hại đồ đạc và có thể sẵn sàng ứng phó với những tình huống bất ngờ. Đồng thời phải canh nước rút để dọn dẹp ngay, đừng để nước rút hết thì không kịp trở tay nữa.
2. Khi nước bắt đầu rút
Khi nước rút dần thì bạn dùng chổi để hất nước lên tường để rửa hết vết bẩn, sình bùn trên tường cho sạch (sau này sẽ rửa lại bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa để sạch hoàn toàn). Làm tương tự với cây cối nhất là phần lá.
Nước rút đến ngang đùi, hãy sử dụng nước hoặc chính nước lũ để vệ sinh đồ đạc như xoong nồi, chén bát, bàn ghế, tủ giường… và kê lên cao. Sau dó, hãy khuấy bùn đọng dưới sàn lên, đừng quên khuấy cả trong các góc để bùn theo nước lũ trôi đi.
Khi nước rút ngang mắt cá chân thì bạn bắt đầu lấy chổi cứng (chổi nhựa) hoặc vật dụng tương tự để đẩy bùn ra khỏi nhà theo dòng nước. Lúc này phải làm nhanh và mạnh tay và sát mặt nền để khi hết nước thì nền nhà cũng sạch sẽ, đỡ mệt mỏi về sau.
Bùn non đóng lớp dày sau khi lũ đi qua
Xem thêm: Phương pháp khắc phục hậu quả sau bão lũ hữu ích cho người dân
3. Khi nước lũ đã rút
Phải nhanh chóng vệ sinh sạch sẽ nhà cửa và đồ đạc, tránh để lại mầm bệnh gây nguy hại cho sức khỏe con người và vật nuôi. Trong quá trình dọn dẹp, cần chú ý các vật sắc nhọn và cẩn thận các loài sinh vật và động vật nguy hiểm (ví dụ như rắn, bọ cạp,…) có thể còn trú ẩn tại các hốc, kẹt sau khi nước rút. Các bạn có thể mua nước khử khuẩn về và phun lên nền nhà, tường và các đồ vật bị ngập để loại bỏ vi khuẩn có thể bám vào trong quá trình ngập lụt.
Nên vứt bỏ các vật dụng không thể làm sạch như gối, đệm, thảm,…
Nếu nước sinh hoạt trong gia đình của bạn lấy từ nguồn nước giếng khoan thì sau khi nước rút, bạn nên đợi ít ngày và tiến hành khử trùng rồi hãy sử dụng. Nếu chân tay của bạn tiếp xúc trực tiếp quá lâu với nước lũ, bạn nên nấu nước muối, để ấm sau đó ngâm rửa tay, chân để tránh bị nước ăn.
Kinh nghiệm dọn lụt sau khi nước rút
Chúc bà con sớm vượt qua khó khăn và nhanh chóng khôi phục cuộc sống sau bão lũ. Mong rằng với sự đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, nhà cửa được sửa chữa, và cuộc sống trở lại bình yên như trước. Cầu mong sức khỏe, bình an, may mắn luôn đồng hành cùng tất cả mọi người trong giai đoạn khó khăn này.
Nguồn: Điện máy chợ lớn