21
Với nhịp sống hối hả và nhiều áp lực như hiện nay, overthinking đang trở thành một vấn đề phổ biến mà nhiều người phải đối mặt. Thường xuyên chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng quá mức về một vấn đề có thể khiến tâm trí bạn bị quá tải, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống.
Hãy cùng Siêu Thị Điện Máy – Nội Thất Chợ Lớn tìm hiểu ngay overthinking là gì, nguyên nhân và cách hạn chế tình trạng suy nghĩ quá mức để bạn có một cuộc sống bình an và vui vẻ hơn nhé!
Overthinking là gì?
1. Overthinking là gì?
Overthinking (tạm dịch là suy nghĩ quá mức) là hiện tượng tâm lý mô tả việc bạn suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề, tình huống hoặc một quyết định nào đó, thường là theo hướng tiêu cực. Nó có thể bao gồm việc lặp đi lặp lại những suy nghĩ về quá khứ, lo lắng về tương lai hoặc phân tích quá kỹ lưỡng các khía cạnh của một vấn đề (kể cả những vấn đề nhỏ, đơn giản) mà không có hành động cụ thể để giải quyết.
Overthinking là hiện tượng suy nghĩ quá mức về một vấn đề nào đó
Có hai dạng overthinking phổ biến:
- Ruminating (lặp đi lặp lại những suy nghĩ về quá khứ): Hồi tưởng về những lỗi lầm, mất mát, tuyệt vọng, thất bại hoặc những sự kiện tiêu cực đã xảy ra và cảm thấy hối hận, tức giận, buồn bã về chúng.
- Worrying (lo lắng về tương lai): Lo lắng, sợ hãi về những gì có thể xảy ra trong tương lai, tự dự đoán hoặc tưởng tượng ra các tình huống xấu nhất và cảm thấy lo lắng, bất an khi điều đó xảy ra.
Trên thực tế, việc suy nghĩ nhiều về một tình huống hoặc những sự cố có thể xảy ra đôi khi sẽ giúp chúng ta có thêm động lực để hành động hoặc sự chuẩn bị trước cho những trường hợp bất ngờ. Tuy nhiên, nếu như overthinking khiến cho bạn cảm thấy bất lực và luôn bị mắc kẹt trong vòng xoáy suy nghĩ, dẫn đến việc khó tập trung vào các hoạt động khác thì sẽ có ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống.
2. Nguyên nhân khiến bạn bị overthinking là gì?
Do quá căng thẳng và lo âu
Những người có xu hướng lo âu về nhiều thứ thường dễ gặp phải tình trạng suy nghĩ quá mức. Khi bạn lo lắng về điều gì đó, não bộ sẽ rơi vào trạng thái suy nghĩ liên tục, cố gắng tìm ra giải pháp hoặc tưởng tượng ra các tình huống có thể xuất hiện (thường theo hướng tiêu cực).
Bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoàn hảo
Sự cầu toàn có thể là một yếu tố dẫn đến việc suy nghĩ quá mức. Khi bạn cố gắng để kiểm soát mọi chi tiết và kết quả của một việc nào đó, bạn có thể bị tác động ngược trở lại và nghĩ về những thứ không thể kiểm soát hoặc nằm ngoài khả năng của bạn, từ đó dẫn đến sự lo lắng, bất an.
Do ảnh hưởng từ tiêu cực trong quá khứ
Nếu đã từng trải qua một sự kiện tiêu cực tác động đến tâm lý hoặc thất bại trong quá khứ, bạn có thể bị ám ảnh bởi những điều đó, luôn luôn suy nghĩ về chúng và lo sợ rằng nó sẽ lặp lại trong tương lai.
Những ảnh hưởng tiêu cực từ quá khứ khiến người overthinking lo lắng, bất an
Biểu hiện của bệnh lý
Overthinking cũng có thể là triệu chứng của một số bệnh lý về tâm thần hiện nay như rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và rối loạn lưỡng cực.
3. Những dấu hiệu cho thấy bạn đang overthinking là gì?
Overthinking có thể biểu hiện qua nhiều dấu hiệu khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang rơi vào tình trạng này:
- Suy nghĩ lặp đi lặp lại: Bạn thường xuyên suy nghĩ lặp đi lặp lại về một vấn đề hoặc tình huống nào đó trong đầu mà không tìm ra giải pháp cụ thể.
- Khó đưa ra quyết định: Bạn cảm thấy rất khó khăn khi phải đưa ra quyết định, ngay cả đối với những vấn đề nhỏ nhặt. Lý do của việc này thường là do bạn lo lắng đến các hậu quả tiêu cực có thể xảy ra khi bạn lựa chọn điều này hoặc điều kia.
Khó đưa ra lựa chọn vì bạn luôn lo lắng đến kết quả
- Lo lắng về tương lai: Bạn lo lắng về những tình huống xấu có thể xảy ra trong tương lai.
- Hồi tưởng về điều tiêu cực trong quá khứ: Bạn thường xuyên nghĩ về những sai lầm, thất bại hoặc những điều không hay đã xảy ra trong quá khứ kèm theo cảm giác tội lỗi, hối tiếc hoặc tự trách mình.
- Khó tập trung: Việc suy nghĩ quá nhiều về một vấn đề sẽ làm bạn mất tập trung vào những việc khác, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, học tập, thậm chí là các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
- Mất ngủ: Bạn khó đi vào giấc ngủ, bị thức giấc giữa đêm và không thể ngủ lại vì quá bận tâm suy nghĩ về một vấn đề nào đó.
Bạn có thể bị mất ngủ vì suy nghĩ quá mức đến nhiều vấn đề
- Phân tích vấn đề quá chi tiết: Bạn dành quá nhiều thời gian để phân tích các khía cạnh khác nhau của một vấn đề ngay cả khi nó không thực sự quan trọng hoặc không cần thiết.
- Sợ mắc lỗi: Bạn lo sợ mình sẽ phạm lỗi hoặc đưa ra quyết định sai lầm, từ đó dẫn đến việc cân nhắc quá mức trước khi hành động hoặc đưa ra quyết định.
4. Overthinking có phải là một dạng bệnh tâm thần không?
Overthinking có thể là nguyên nhân gây ra trầm cảm, lo âu và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, tuy nhiên đây chưa phải là một loại bệnh tâm thần được công nhận. Suy nghĩ quá mức cũng thường là triệu chứng của các tình trạng sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
5. Những cách giúp bạn hạn chế tình trạng overthinking
Nhận thức vấn đề của bản thân
Bước đầu tiên để thoát khỏi tình trạng overthinking là bản thân bạn phải tự nhận ra rằng bạn đang suy nghĩ quá mức. Khi rơi vào tình trạng này, bạn có thể tự đặt ra một số câu hỏi như “Điều này có thực sự quan trọng để tôi quan tâm nhiều như vậy không?”, “Còn điều nào khác quan trọng hơn tôi cần làm?”, “Tôi có thể làm gì để giải quyết vấn đề này theo hướng tốt nhất?” để tìm ra hướng xử lý đúng đắn và tập trung vào những điều thực sự quan trọng.
Tập trung vào hiện tại
Tập trung vào những việc cần làm, cần quan tâm ở hiện tại có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng, từ đó tránh được cảm giác bị overthinking về quá khứ hoặc tương lai.
Hành động thay vì suy nghĩ
Thay vì chỉ suy nghĩ, bạn hãy cố gắng hành động dù chỉ là một bước nhỏ. Ví dụ bạn đang quá lo lắng cho kỳ thi sắp tới, hãy thử làm một bộ đề để xem bạn có làm được các câu hỏi hay không. Việc hành động có thể giúp bạn cảm thấy rằng bản thân đang kiểm soát tình hình tốt hơn so với việc chỉ suy nghĩ.
Luyện tập thể dục, thư giãn
Thể dục không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn giúp tinh thần sảng khoái hơn, giúp bạn bớt suy nghĩ quá mức. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền định hoặc yoga để tinh thần thêm thoải mái.
Tập thể dục để tinh thần thoải mái, bớt suy nghĩ nhiều
Chia sẻ với người khác
Chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của bạn với một người bạn tin tưởng (người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay thậm chí là một người lạ không quen biết) có thể giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác toàn diện hơn. Điều này đôi khi sẽ giúp bạn thoải mái và tìm được cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả.
Nếu tình trạng overthinking kéo dài và gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia tâm lý nhé.
6. Tổng kết
Điện Máy – Nội Thất Chợ Lớn vừa chia sẻ đến bạn một số vấn đề về overthinking là gì. Việc nhận diện và hiểu rõ những dấu hiệu của tình trạng suy nghĩ quá mức là bước đầu quan trọng để thoát khỏi tình trạng này. Bằng cách áp dụng những biện pháp phù hợp như tập trung vào hiện tại, hành động thay vì suy nghĩ, duy trì một tinh thần thoải mái, chúng ta có thể giảm thiểu overthinking, từ đó cải thiện sức khỏe tinh thần của mình một cách hiệu quả.
>>> Xem thêm: Lịch trình du lịch Nha Trang 3 ngày 2 đêm chi tiết vui hết cỡ
Mua ngay hàng gia dụng tại Điện Máy – Nội Thất Chợ Lớn để thoải mái nấu ăn mỗi ngày!
Nấu ăn cũng là một cách để bạn thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ phút làm việc hay học tập căng thẳng. Hãy trang bị ngay cho mình những sản phẩm gia dụng chất lượng, chính hãng từ Siêu Thị Điện Máy – Nội Thất Chợ Lớn để tự do sáng tạo và làm ra những món ăn ngon và tự thưởng cho bản thân, dành tặng cho người thân hoặc bạn bè của mình nhé!
Nguồn: Điện máy chợ lớn